Khi gặp phải sự khác biệt văn hoá, hãy thay đổi góc nhìn để để đón nhận và tìm hiểu cái mới. Vì trong công việc, nếu không nhận thức được yếu tố này, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi của những người chuyên nghiệp ngay lập tức.
Chia sẻ của Ông Abhijit Das, Chief Strategy Officer của Publicis Việt Nam với ông Thann Auttanukune trong số #10 của chuyên mục The Professionals. - Brand Vietnam.
Ông có thể chia sẻ đôi điều về bản thân và công việc hiện tại?
Tôi là Abhijit Das, hiện đang làm việc tại Team C by Publicis. Việt Nam là quốc gia thứ 3 tôi làm việc và sinh sống sau Ấn Độ và Malaysia. Đây là quốc gia truyền cho tôi nhiều cảm hứng nhất vì có nhiều sự thay đổi nhanh chóng.
Hiện tại, Team C by Publicis Việt Nam hoạt động tập trung vào việc Tạo nội dung (Creating content) và Hợp tác (Collaboration).
Tôi cho rằng để nhạy bén với những thay đổi của thị trường, chúng ta phải vượt qua những giới hạn năng lực thông thường. Tại Publicis Groupe Việt Nam, chúng tôi có nhiều agency với năng lực cụ thể, như Leo Burnett là quảng cáo sáng tạo, MSL là PR, Perfomics chuyên performance media, Starcom là media agency, vậy thì còn nhu cầu nào nữa để Team C có thể phục vụ?
Nói đơn giản, chúng tôi nhìn vào toàn bộ hệ sinh thái giải pháp, và giúp khách hàng quản lý chúng. Ở cấp độ toàn cầu, Team C by Publicis có nhiều dịch vụ hơn ở Việt Nam. Chúng tôi có Giải pháp Dữ liệu, Giải pháp Thiết kế, Giải pháp Ambient, Giải pháp Công nghệ… Tuỳ vào từng dự án chúng tôi có thể mang về những nguồn lực phù hợp.
Do đó, chúng tôi đề cao sự hợp tác. Team C by Publicis vận hành giống đàn piano, mọi nốt nhạc sẽ cùng làm việc để cho ra một bản nhạc hay, chúng tôi gọi đó là tập trung sức mạnh vào một hệ thống. Hơn nữa, những agency đóng góp trong quá trình hợp tác phải có cùng một mục đích, để dễ dàng tìm được sự đồng điệu và lợi ích nhằm duy trì sự cống hiến.
Bên cạnh đó, Team C by Publicis còn tập trung vào việc phát triển nội dung. Vì đây là một trong những giải pháp không kém phần quan trọng tại thị trường Việt Nam. Có thể nói, những đóng góp của mỗi agency rất quan trọng, và chúng tôi tạo ra thế mạnh canh tranh rất lớn khi đứng cùng nhau.
Hiện nay có nhiều vấn đề trên thế giới chưa được giải quyết. Nếu nhìn ở góc độ khác, tôi nghĩ rằng đây chính là một mảnh đất cần được khai phá. Và giải pháp nội dung của Team C by Publicis sẽ giúp tháo gỡ những điều này, mà không dựa trên bất kỳ quy chuẩn nào. Do đó, chúng tôi thường quan sát các nhãn hàng từ nhiều góc độ khác nhau để tìm ra giải pháp.
Tóm lại, việc hợp tác và tạo ra nội dung cũng chính là nguyên tắc làm việc chung của Team C by Publicis để có thể mang đến nhiều giải pháp và góc nhìn khác nhau.
* Khi nói về những góc nhìn khác nhau, tôi thích ý tưởng về việc nhìn xa trông rộng. Là một nhà quản lý hàng đầu, làm việc ở nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều người ở nhiều cấp độ khác nhau, ông có thể khai thác sâu hơn ý nghĩa của việc “nhìn xa trông rộng” không?
“Chúng ta đều là những kẻ nghiệp dư, và chúng ta không sống đủ lâu để trở thành thứ khác”
Dưới góc độ cá nhân và nhà chuyên môn, chúng ta thường bắt đầu làm việc từ một giá trị nhất định mà chúng ta tin tưởng. Tôi rất thích một câu nói của ông vua hề Charlie Chaplin, đó là “Chúng ta đều là những kẻ nghiệp dư, và chúng ta không sống đủ lâu để trở thành thứ khác”. Tôi hiểu rằng bản thân mình sẽ không thể trả lời tất cả câu hỏi, và tôi hoàn toàn thoải mái với điều này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hợp tác để tạo ra giá trị.
Tôi thường quan sát mọi sự vật, sự việc theo cách khác nhau, vì tôi biết chính mình cũng khác biệt và có những kinh nghiệm không giống ai. Việc quan sát này giúp tôi nhận ra rằng “vấn đề có thể tạo ra cơ hội”. Đây cũng chính là ý nghĩa của việc “nhìn xa trông rộng” mà chúng ta nên áp dụng vào công việc.
Việc không bị bó buộc bởi những luật lệ, kỳ vọng hay bất kỳ giải pháp chung chung nào sẽ khiến chúng ta có nhiều góc nhìn hơn và giảm bớt gánh nặng chứng tỏ bản thân.
* Đối với người trẻ, sẽ là một cuộc đấu tranh lớn để đón nhận vấn đề, ngay cả bản thân tôi thỉnh thoảng cũng khó có thể giữ vững tinh thần cho đến khi vấn đề được giải quyết. Vậy marketer trẻ cần phải có những phẩm chất nào để làm được điều đó?
Điều cốt lõi đầu tiên đó là phải tin tưởng vào bản thân để trưởng thành hơn. Biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và từ đó dùng điểm mạnh để khắc phục điểm yếu, đặc biệt phải trải nghiệm nhiều hơn để nhìn thấy điểm mạnh của người khác. Hơn nữa, hãy thoải mái với chính bản thân mình. Ai cũng có những điểm yếu nhất định, và chính bạn phải tự trưởng thành nhờ thay đổi những điểm yếu đó.
Thứ hai là hãy mạnh dạn nói “Tôi không biết”.
Có một yếu tố khiến các bạn trẻ khó phát triển đó là bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục học thuộc lòng, triệt tiêu khả năng sáng tạo. Việc rập khuôn sẽ khiến họ nghĩ rằng chỉ có một cách giải quyết cho mọi vấn đề. Nhưng sự thật thì không như vậy.
Khi làm việc, đừng nên chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, vì tiền bạc sẽ là yếu tố theo sau, điều quan trọng là bạn cần phải lựa chọn văn hoá, sếp hay lãnh đạo.
Khi đặt họ vào vấn đề mà không có một gợi ý nào, theo bản năng tự nhiên, họ sẽ trả lời “Tôi biết rồi”. Nhưng “Tôi biết rồi” lại là vấn đề vì áp lực phải chứng minh bản thân trước người khác. Khi làm việc, các tổ chức sẽ không kiên nhẫn để nhân viên học hỏi quá lâu, mà vẫn chưa thể hiện được gì. Họ chỉ yêu cầu nhân viên làm được việc, phát triển theo một đường thẳng và thăng tiến. Điều này khiến bạn trẻ áp lực, thậm chí nghi ngờ về năng lực bản thân nên rất khó để mở lòng đón nhận. Vậy nên, bạn trẻ phải vượt ra khỏi giới hạn an toàn của bản thân và nói rằng: “Tôi không biết”.
Khi làm việc, đừng nên chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, vì tiền bạc sẽ là yếu tố theo sau, điều quan trọng là bạn cần phải lựa chọn văn hoá, sếp hay lãnh đạo. Khi lựa chọn người lãnh đạo hay văn hoá tổ chức phù hợp, bạn sẽ cảm nhận được sự an toàn, ổn định và có thể cho phép bản thân mắc lỗi, trưởng thành và học hỏi.
* Sự chuyên nghiệp được định nghĩa theo góc nhìn văn hoá như thế nào?
Là một người có kinh nghiệm và kiến thức về truyền thông, chúng ta nên có nhận thức rõ ràng về sự khác biệt văn hoá. Vì khi nói đến khái niệm “chuyên nghiệp” và văn hoá chắc chắn có nhiều góc nhìn khác nhau.
Trong văn hoá Tây phương, “chuyên nghiệp” thiên về nghĩa “thực hiện”.
Trái với “chuyên nghiệp” là “nghiệp dư”, một từ mang nghĩa có vẻ tiêu cực. Vì vậy, không ai muốn trở thành một kẻ nghiệp dư nên phải tạo ra một bộ cánh “chuyên nghiệp” rồi khoác vào.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ “thực hiện” không đơn giản như việc mặc một bộ đồ vest, “sự chuyên nghiệp” phải đến từ bên trong, thông qua cách giao tiếp, thảo luận, thậm chí thoải mái làm việc với nhau.
Còn theo góc độ người Châu Á, sự chuyên nghiệp dựa trên đặc tính tin tưởng, tôn trọng và được xây dựng một cách cá nhân hoá. Hầu hết người châu Á làm việc theo tôn ti, cấp bậc. Họ luôn kỳ vọng cấp trên phải là người tìm ra giải pháp, phương án giải quyết. Người cấp trên, thỉnh thoảng sẽ cảm thấy áp lực nhưng vẫn cố gắng đưa ra giải pháp cho cấp dưới để hoàn thành việc họ cần.
Do đó, tôi nghĩ rằng nếu có thể bóc tách được những yếu tố này, chúng ta sẽ mở ra được cánh cửa sẻ chia và hợp tác để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề ở mỗi văn hoá khác nhau.
* Với những người làm marketing chuyên nghiệp mà ông đã tiếp xúc, theo ông điều gì khiến họ khác biệt?
Tôi nghĩ rằng, họ có nét văn hoá đặc trưng.
Khi làm việc với P&G, nơi được mệnh danh như một ngôi trường đại học marketing, tôi cảm nhận được văn hoá riêng lâu đời của họ thông qua việc tương tác giữa người với người.
Ngay cả khi làm việc với một số nhãn hàng nội địa Việt Nam, dù không hề có 60 năm kinh nghiệm trong ngành marketing hay có sẵn quy trình vận hành, nhưng tôi thấy được rất nhiều sự chuyên nghiệp ở họ thông qua sự đóng góp của mỗi cá nhân. Vì thế, có thể thấy, văn hoá doanh nghiệp tại đây được tạo nên từ con người. Khi làm việc với những con người tâm huyết, chúng ta có thể tìm ra được rất nhiều giải pháp hiệu quả.
Yếu tố thứ hai đó là “sự cho đi”. Tại P&G, họ nhìn nhận văn hoá như “sự cho đi” hay “sự cống hiến”. Do đó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc, tương tác và hết mình cống hiến cho công việc khi có suy nghĩ này.
Một yếu tố nữa là những đặc điểm văn hoá đến từ nhà lãnh đạo. Văn hoá của Apple được tạo ra bởi Steve Jobs, của Microsoft là Bill Gates, những cá nhân ở vị trí lãnh đạo nếu có xu hướng học hỏi, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau trong công việc, thì văn hoá sẽ đồng bộ và tạo ra kết quả tuyệt vời.
* Ông có thể đưa ra những lời khuyên các bạn đang làm trong ngành marketing về sự khác biệt văn hoá để họ có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp?
Khác biệt văn hoá là một khái niệm khó tiếp cận. Vì bạn sẽ không tự nhận thức được việc mình đang vượt qua ranh giới văn hoá trong công việc.
Tôi nghĩ rằng, khi gặp phải sự khác biệt văn hoá, hãy thay đổi góc nhìn, chấp nhận sự khác biệt để đón nhận, tìm hiểu cái mới. Đặc biệt, đừng so sánh hai chủ thể văn hoá dựa trên sự khập khiễng. Bạn sẽ có cái nhìn khái quát hơn khi so sánh hai chủ thể từ quá khứ cho đến hiện tại, chứ đừng tiến hành so sánh chủ thể ở hiện tại trong những không gian khác nhau.
Khi rời Ấn Độ đến Việt Nam, tôi gặp phải mâu thuẫn vì sự khác biệt trong văn hoá và xã hội. Ấn Độ sở hữu một nền văn hoá đa dạng, có khuôn mẫu văn hoá hoàn toàn khác biệt, và nếu giữ nguyên mô hình đó để sống tại Việt Nam sẽ rất khó khăn. Vì vậy, tôi cố gắng hoà nhập dần dần, tìm hiểu về văn hoá Việt Nam trong lối sống, công việc và cả cách làm việc của con người nơi đây.
Đừng mang trong mình gánh nặng phải tìm ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi. Đôi lúc, hãy cảm thấy thoải mái với việc không biết để dễ dàng tìm ra cách giải quyết vấn đề hơn.
Thứ hai, đừng nên đánh mất sự kết nối với quá khứ. Ở Việt Nam, các bạn trẻ thường tất bật với công việc ở hiện tại, mà đánh mất sự kết nối với những việc xảy ra từ trước đó. Văn hoá là một chuỗi các hoạt động diễn ra từ xưa cho đến nay. Khi bạn đang làm việc trong hiện tại, gặp phải vấn đề, hãy nghĩ về những yếu tố đã được xây dựng nên trước đó, hiểu được bản thân là ai để tìm ra giải pháp cho vấn đề hiện tại. Ở Thái Lan hay Ấn Độ cũng có Facebook hoặc Instagram, câu hỏi không phải là làm digital ở Thái hay Ấn Độ khác nhau như thế nào, mà câu hỏi cốt lõi là thương hiệu phải khác biệt như thế nào. Và khác biệt thương hiệu phải đến từ sự thấu hiểu văn hoá, chứ không phải kênh truyền thông.
Thứ ba, đừng mang trong mình gánh nặng phải tìm ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi. Đôi lúc, hãy cảm thấy thoải mái với việc không biết để dễ dàng tìm ra cách giải quyết vấn đề hơn.
Thứ tư, đề cao tinh thần hợp tác để làm việc. Vì tôi nghĩ rằng, rắc rối lớn nhất mà chúng ta gặp phải đó là thường cảm thấy thoải mái với ý tưởng nhưng lại thiếu áp lực để biến điều đó thành sự thật. Do vậy, mọi người thực sự cần phải hợp tác, phối hợp tìm ra nhiều giải pháp hữu ích cho khách hàng để biến những ý tưởng thành hiện thực, giúp tạo ra giá trị cho sản phẩm và dự án.
* Sự hiểu lầm về công việc ông đang làm tại Publicis là gì?
Có khá nhiều đơn vị, cá nhân nghĩ rằng agency là một “đại lý bán lẻ”, nơi mà các giải pháp luôn “có sẵn trên kệ”, và họ chỉ đưa ra yêu cầu về việc bán được nhiều hàng hơn, muốn thương hiệu trở nên “viral”, nhiều người tương tác trên mạng xã hội, có người nổi tiếng tham gia và chiến dịch phải hoàn thành sau… hai tuần.
Nhưng để làm được điều này, điều đầu tiên đối tác cần làm đó là “hỏi đúng câu hỏi”. Đây cũng chính là một kỹ năng mà nhiều bạn trẻ cần phải trang bị và tự rèn luyện. Vì nếu như có một phút để giải quyết vấn đề, bạn hãy dành 90% thời gian để tìm ra cốt lõi vấn đề là gì trước tiên, 10% thời gian còn lại chính là lúc để giải quyết vấn đề đó.
Tóm lại, hỏi đúng câu hỏi chính là cách bạn tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề.
* Cảm ơn Ông về những chia sẻ trên!
Theo Brands Vietnam
CRG GLOBAL sưu tầm.