Quy trình bốn bước tái cấu trúc doanh nghiệp.

Công ty CRG GLOBAL 22/08/2019
quy-trinh-bon-buoc-tai-cau-truc-doanh-nghiep

"Nghiên cứu của John Kotter đã chỉ ra 70% các cuộc tái cơ cấu bị thất bại, trong đó 85% thất bại trong quá trình nỗ lực chuyển đổi doanh nghiệp được xem là do người lãnh đạo".

Quy trình bốn bước tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tái cơ cấu là một quá trình thay đổi để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. "Thay đổi" là một thử thách rất lớn đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Và khó khăn lớn nhất trong thay đổi là yếu tố con người, từ người làm chủ, lãnh đạo doanh nghiệp, đến tất cả những con người vận hành doanh nghiệp đó. Là chủ doanh nghiệp, chúng ta sẽ tự hỏi: "Nếu đã tồn tại và thành công bấy lâu nay, tại sao tôi phải thay đổi? Tôi được gì từ sự thay đổi? Liệu tôi muốn đánh đổi sự an toàn hiện tại với những thay đổi chưa biết sẽ ra sao?". Trong tiếng Anh có câu: "If it ain't broke, don't fix it" (Nếu chưa hư thì đừng có sửa), bởi vì nếu sửa, người ta sợ rằng sẽ tìm ra hàng loạt những thứ sắp hư. Người ta đi tìm sự bình an giả tạo bằng cách giả vờ không biết hoặc từ chối không muốn biết là dưới phần nổi  mảnh mai xinh đẹp của một tảng băng, luôn luôn có một phần chìm to lớn và nguy hiểm ít ai biết đến. Cũng có khi, người lãnh đạo doanh nghiệp thật sự mong muốn sự thay đổi và dũng cảm dấn thân vào quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, cam kết thực hiện những thay đổi bị yếu dần theo thời gian. Nghiên cứu của John Kotter đã chỉ ra 70% các cuộc tái cơ cấu bị thất bại, trong đó 85% thất bại trong quá trình nỗ lực chuyển đổi doanh nghiệp được xem là do người lãnh đạo. Điều này cho thấy điều quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu là việc thay đổi hoặc củng cố nếp suy nghĩ (mindset) của người đứng đầu doanh nghiệp. Đến đây việc cần thiết nhất mà bạn phải làm là tự hỏi mình có đủ can đảm để thay đổi và theo đuổi sự thay đổi đó đến cùng hay không. Hãy thành thật với chính bản thân mình. Nếu bạn chưa thật sự sẵn sàng trong suy nghĩ, tác giả khuyên bạn không nên vội vàng. Không có gì tệ hại hơn là làm một việc gì đó nửa chừng, vì bạn sẽ chỉ làm cho tình hình doanh nghiệp tệ hơn mà thôi. Khi tất cả đội ngũ đều hiểu rõ chỉ có thể đánh thắng để tồn tại, thua đồng nghĩa với diệt vong, người ta sẽ dốc hết sức lực để đánh một trận cuối cùng, với một mục tiêu duy nhất là chiến thắng. Tái cơ cấu chính là trận đánh đó. Bạn chỉ có hai lựa chọn: làm đến cùng để chiến thắng hay thất bại và diệt vong. Dĩ nhiên, còn một cách lựa chọn dễ dàng hơn, bỏ cuộc chơi để bảo toàn tính mạng. Đó là khi chúng ta đồng ý mua bán hay sáp nhập với công ty/tập đoàn lớn hơn, tập đoàn nước ngoài, những người có đầy đủ và kinh nghiệm để tái cơ cấu và phát triển thương hiệu trong bối cảnh mới. Thành thật mà nói, M&A hay mua bán và sáp nhập cũng là một chiến lược mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi nguồn lực hiện tại không đủ mạnh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh tương lai.

Quy trình 4 bước:

- Bước 1: Khám sức khoẻ doanh nghiệp.

- Bước 2: Xác định tầm nhìn doanh nghiệp.

- Bước 3: Xây dựng sứ mệnh và mục tiêu kinh doanh.

- Bước 4: Xây dựng tổ chức, nguồn lực và hệ thống quản trị.

Tác giả khuyên chủ doanh nghiệp nên hợp tác với chuyên gia tư vấn để thực hiện quá trình này. Bản thân doanh nghiệp và người chủ doanh nghiệp là những người "trong cuộc"  nên sẽ khó có thể thực hiện hoặc đưa ra những quyết định khách quan trong thay đổi, nhất là vấn đề thay đổi nhân sự chủ chốt, nhân sự "tài năng". Người "ngoài cuộc" sẽ có cái nhìn khách quan hơn, đúng đắn hơn về cái doanh nghiệp cần chứ không phải cái doanh nghiệp có.

Bài viết được sao chép và lược trích từ cuốn sách "Nhượng quyền khởi nghiệp, con đường ngắn để bước ra thế giới" của Tác giả Nguyễn Phi Vân. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.

CRG GLOBAL