Các nguyên tắc lãnh đạo của michael feiner (tiếp theo)

Công ty CRG GLOBAL 15/03/2019
cac-nguyen-tac-lanh-dao-cua-michael-feiner-tiep-theo

Chương 9. Lãnh đạo Sự thay đổi – Bản tuyên ngôn rực lửa.

Lãnh đạo tài năng nhận thức được cần phải giúp tổ chức thích nghi với các thế lực như: cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm mới, quy định mới và công nghệ mới. Con người trong tổ chức thường kháng cự lại các thay đổi lớn, cho dù đó là thay đổi tích cực. Vì thế, để lãnh đạo sự thay đổi, người lãnh đạo phải biết cách bỏ qua sự chống đối để xây dựng và phát triển kế hoạch hành động đáp ứng thay đổi theo mong muốn đã được thống nhất. Bốn quy luật sau xác định thành công hay thất bại của một sáng kiến thay đổi.

  1. Quy luật Bản tuyên ngôn rực lửa.

Nếu bạn muốn dẫn dắt thành công một nỗ lực thay đổi, bạn cần thuyết phục người của mình rằng nếu không thay đổi, họ sẽ gặp điều bất hạnh. Người tham gia vào sự thay đổi phải thấy việc này “cần phải làm” chứ không phải “làm thì cũng tốt”. Bạn cần suy nghĩ và cân nhắc các lý do cho sự thay đổi đó, kết nối lý do đó với cốt lõi của hoạt động kinh doanh, khi các yếu tố cốt lõi này đang ảnh hưởng nhiều nhất tới lợi ích của người lao động. Quy luật Tuyên ngôn rực lửa nói về hậu quả các thất bại cần phải thay đổi tường minh và hiển nhiên.

  1. Quy luật về Sự ủng hộ của các cấp.

Nhà lãnh đạo không thể ủy thác trách nhiệm thực thi các thay đổi lớn trong tổ chức cho người dưới quyền. Nếu bạn chỉ ngồi trên và ra lệnh vì nghĩ rằng sau khi gửi bản ghi nhớ thực hiện cho các phòng ban và cấp lãnh đạo cao hơn, thì thật tệ vì bạn sẽ gặp rất nhiều chống đối. Tiến trình thay đổi cần sự tham gia và hỗ trợ trực tiếp của mọi cấp bậc của tổ chức đó. Có được sự hỗ trợ từ mọi bộ phận, ở mọi ngạch bậc từ cao tới thấp là điều cần nhất để thực hiện thay đổi.

  1. Quy luật về Những chi tiết cần lưu ý.

Nhà lãnh đạo thường bắt đầu tiến trình thay đổi bằng một bài phát biểu hoặc một thông điệp bằng văn bản. Nhưng như vậy chưa đủ để thực hiện thay đổi hay biến nó trở thành một công việc mà ai cũng thấy cần phải tham gia. Một lãnh đạo giỏi phải nghiên cứu và chỉ ra được tổ chức đó sẽ nhận được thành quả gì sau thay đổi. Suy nghĩ và thảo luận cẩn trọng với các nhân vật chủ chốt để trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan tới mong muốn thay đổi. Lãnh đạo giỏi phải phân tích được từng bước của tiến trình, phải quyết định chính xác những gì cần thiết cho tiến trình đó và phải chịu trách nhiệm thực hiện thay đổi thành công. Các nhà lãnh đạo nên coi thay đổi giống như một tiến trình năng động và mềm dẻo, luôn phải điều chỉnh và chọn lọc. Thay đổi chỉ thành công nếu các lãnh đạo trực tiếp động viên mọi người, tư vấn bàn bạc các kế hoạch và vượt qua được những chống đối thay đổi luôn diễn ra một cách tự nhiên.

  1. Quy luật Sở hữu.

Một trong những lý do khiến lãnh đạo ghét thay đổi vì chính họ là người gánh vác việc đó. Kể cả khi họ hiểu cần phải thay đổi, họ vẫn không thích ý tưởng bị ai đó điều khiển việc thay đổi. Để vượt lên chính sự kháng cự này, bạn cần cho người của mình các cơ hội phản ứng, quan tâm và đặt câu hỏi. Bạn cần làm nhân viên tin tưởng vào thay đổi, làm họ cảm thấy ý kiến của họ được cân nhắc và áp dụng trong thực hiện thay đổi đó.

Dẫn dắt một tập thể là việc luôn tạo ra các thay đổi. Nhưng bởi thay đổi gặp quá nhiều phán xét mẫn cảm và ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều bên nên nỗ lực thay đổi cần được thiết kế tỉ mỉ để bảo đảm dự kiến được các kết quả đầu ra. Thế nên, nhiệm vụ thiết yếu của cấp lãnh đạo là tập trung lập kế hoạch, kiểm soát và giải quyết vấn đề, giải quyết các mỉa mia châm biếm, tất cả những thành công nếu có đều phụ thuộc vào việc quản lý có chất lượng và hiệu quả.

Trích và dịch từ cuốn: Các nguyên tắc lãnh đạo của Michael Feiner

Nhật Quỳnh, Nhà sáng lập CRG GLOBAL